Năm nay mới trên 30 tuổi nhưng những gì đã từng trải qua của VĐV vô địch Seagames và thế giới Nguyễn Huyền Trang luôn khiến người nghe cảm thấy xúc động vì những gì cô đã trải qua trong cuộc đời.
Câu chuyện về cuộc đời của cô gái được mệnh danh là hoa khôi đá cầu, khiến cho nhiều người phải suy nghĩ và tiếp thêm động lực cho nhiều người đang phải chống chọi với những căn bệnh hiểm ác và cả một ý chí chiến đấu không chịu khuất phục trước bệnh tật cũng như những khó khăn trong cuộc sống.
Câu chuyện về VĐV vô địch đá cầu thế giới Nguyễn Huyền Trang
Huyền Trang từ nhỏ đã có niềm đam mê cháy bỏng với bộ môn đá cầu, năm 14 tuổi Trang đã bắt đầu đá cầu. Bố của cô ông Nguyễn Hồng Đức đã kể lại. Sau khi biết con gái theo đuổi nghiệp đá cầu mẹ cô đã cấm không cho cô đi theo niềm đam mê này vì lương của Huyền Trang khi đó chỉ hơn 1 triệu đồng.
Mẹ cô đã vứt đôi giày mà cô thường sử dụng để thi đấu, nhưng chính bởi niềm đam mê mà người bố cảm thấy được ở đứa con gái mình mà ông đã mua cho cô một đôi giày mới, để cho con gái tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Trang được gọi lên ĐTQG từ rất sớm và trở thành trụ cột suốt những năm 2000-2007. Đó cũng là thời đỉnh cao nhất của Nguyễn Huyền Trang, với những thành tích vang dội như 2 HCV nội dung đồng đội nữ và đôi nữ tại SEA Games 22, 2 HCV thế giới năm 2005, 2007.
Sau khi từ bỏ đội vào năm 2007 cô từ bỏ đội tuyển đá cầu để lấy chồng và sinh con.
Bi kịch đến với VĐV vô địch đá cầu thế giới Nguyễn Huyền Trang
Nguyễn Huyền Trang, cô gái từng được mọi người phong danh hiệu hoa khôi đá cầu của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện ung bướu Hà Nội, phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Không để ý đến chiếc mũ vải đang trùm lên mái đầu chỉ còn lơ thơ tóc, chúng tôi nghĩ Trang chỉ đang nằm nghỉ ngơi sau ngày dài mệt nhọc mà thôi.
Chìa ra đôi bàn tay thon thon, Huyền Trang khoe tôi những móng tay màu hồng, màu cam được vẽ hồi tháng trước, bàn tay gầy, nhìn rõ những đường gân xanh xanh.“Gần đây cả hai chân tôi đã cho cảm giác chứ chúng không tê liệt như hồi mới vào nhập viện. Nhưng tôi vẫn không tự đi lại được, muốn nhúc nhắc phải có cả hai người dìu hai bên”, nói đến đây, Trang đưa mắt nhìn ra ô cửa sổ mở của Bệnh viện ung bướu, cố tìm một màu xanh gì đấy nhưng bất lực.
Cô gái đá cầu từ năm 14 tuổi và sở hữu kỹ thuật đá cầu xuất sắc, mang về bao nhiêu HCV trong nước và thế giới không bao giờ ngờ được, ở tuổi 30, mình lại nằm yên một chỗ với những nỗi đau đớn của bệnh tật và cả những khoản viện phí đang lơ lửng trên đầu, bóp nghẹt lấy ước mơ được sống còn đang vẫy gọi.
Nguyễn Huyền Trang thấy sức khỏe bất ổn từ năm 2013, cô đến bệnh viện K Hà Nội và được chẩn đoán chỉ có khối u vú lành tính. Tuy nhiên sau đó thấy cái lưng của mình ngày càng đau hơn. Cô tới bệnh viện quân đội 108 và được chẩn đoán viêm đa khớp cột sống, lao xương. Chính lúc này, cô cầm trong tay bản kết luận mình bị ung thư vú, di căn đến xương.
Tết 2014, cô phẫu thuật đốt sống ở bệnh viện 108, chi phí các khoản mất hơn 100 triệu đồng. Ca phẫu thuật này không mang lại sức khỏe hoàn toàn cho Huyền Trang. Hồi tháng 5.2015, bệnh diễn biến xấu, Trang nhập Bệnh viện ung bướu Hà Nội khi đã liệt nửa người.
Sự thật đắng cay, Nguyễn Huyền Trang chưa từng được cầm trong tay một bảo hiểm y tế nào. Ngay cả thời gian cô khoác áo ĐTQG.
“Ngày tôi còn ở đội tuyển đá cầu Hà Nội, tôi được nhận lương 1.050.000 đồng mỗi tháng. Nhưng vì tôi đam mê, tôi vẫn đá cầu. Nếu không vì bệnh tật, giờ chắc tôi đang ở sân rồi”, Trang cười, ước mơ được đá cầu vẫn cháy bỏng trong cô gái còn rất trẻ.
“Bán nhà rồi, bố mẹ tôi sẽ ở đâu?”
Trải qua 6 lần xạ trị ung thư năm 2014, 3 lần truyền hóa chất từ hồi tái nhập viện (tháng 5 năm nay), hiện tại, đều đặn mỗi ngày Trang phải uống các viên hóa chất. Trung bình mỗi tuần, tiền chi phí điều trị cho Huyền Trang xấp xỉ 15 triệu đồng.
Tổng số tiền chữa bệnh cho Trang từ ngày cô phát hiện khối u đến bây giờ rơi vào khoảng 400 triệu đồng. Đó là gần như tất cả tài sản trong nhà của Trang, tiền để dành của bố mẹ cô và những sự giúp đỡ của anh em, bạn bè…
Bố mẹ Trang là công nhân nghỉ hưu, dưới Trang có một người em trai năm nay 25 tuổi, mới đi làm. Trang đã ly hôn, cô có 1 con gái 6 tuổi tên Trà My và con trai 5 tuổi tên Trường Toàn. Cả 2 con đang phải gửi nhờ chồng cũ chăm sóc.
Những ngày nằm trong bệnh viện, nhìn bố mẹ già chăm mình, dìu cô từng bước trong gian phòng vài mét vuông, mắt thâm quầng vì lo lắng, với Trang đó là nỗi đau đớn, bất lực.
“Bố mẹ bảo sẽ tính đến chuyện bán ngôi nhà ở Gia Lâm, nơi chúng tôi đang sống để lấy tiền trả viện phí.
Nhưng bán nhà mà cứu được tôi thì tôi sẽ bán. Còn không, nếu tôi sẽ ra đi, bố mẹ và em tôi, con tôi sẽ ở đâu, tôi không để cho bố mẹ bán nhà đâu”, Trang cố gắng để không khóc. Cô gái vẫn mạnh mẽ như ngày nào. Chúng tôi thấy mắt mình cay quá…
Sự giúp đỡ của những người bạn và câu chuyện gây xúc động
Ngày 3.10 vừa qua, tại sân đá cầu Linh Lang – Đào Tấn, Hà Nội đã diễn ra giải đá cầu phong trào, gây quỹ ủng hộ giúp Nguyễn Huyền Trang. Trước đó, anh Nguyễn Hoài Nam, người sáng lập Trung tâm bóng đá cộng đồng VietGoal, hay tin Nguyễn Huyền Trang bị bệnh đã vào thăm.
Ngay khi trở về từ bệnh viện, anh đã viết lên trang cá nhân facebook những dòng cảm xúc với tiêu đề “Chuyện thật về việc đi thăm cô gái vàng Huyền Trang, ai động viên ai”, trong chốc lát, status này nhận được hơn 2.000 người bấm like và hàng trăm lượt chia sẻ.
Sáng nay, 7.10, Nguyễn Hoài Nam cho biết nhiều bạn bè đã gửi anh tổng cộng gần 20 triệu đồng, nhờ chuyển đến Trang.
Thanh Niên Online đã xin phép anh Nguyễn Hoài Nam, trích đăng lại đoạn hội thoại xúc động giữa anh và cô gái vàng của đá cầu đang chống chọi với bệnh ung thư:
* Lúc thi đấu đỉnh cao, em có nghĩ có ngày mình “ốm” thế này không?
Không anh ơi, được chơi cho thỏa đam mê là sướng rồi, nghĩ gì?
* Thế động lực nào để phấn đấu giành vô địch thế giới?
Động lực gì đâu anh, chỉ thích được như các anh chị được khoác cờ Tổ quốc, đặt tay lên ngực hát “Đoàn quân Việt Nam đi…” lúc trao giải thôi.
* Thế em có buồn khi không được nhiều sự quan tâm lúc giải nghệ không?
Hơi buồn chút thôi, anh, vì vận động viên giải nghệ về nó nhạt lắm, ai mà nhớ. Ấy thế mà hôm nay các chú ở Tổng cục đến thăm và cho quà là quý rồi.
* Giờ em mong gì nhất?
Em thèm chơi một trận cầu thật đã, có đông khán giả anh ạ.
* Chân em còn chưa nhấc được lên kia mà?
Nhấc được này… đoạn Trang lấy hai tay nắm lấy hai gấu quần dài xắn tới đùi kéo mạnh lên, hai chân nhấc nhẹ lên khỏi mặt đất khoảng 10 cm. Cô cười, như bệnh tật chưa bao giờ qua đây…